Khung pháp lý về M&A trên thị trường chứng khoán
M&A có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra giá trị lớn hơn so với giá trị mang lại cho doanh nghiệp, cho cổ đông nếu hoạt động độc lập, nhưng nhìn chung, M&A là một quá trình phức tạp, kéo dài và các bên tham gia phải nhận thức được mức độ phức tạp của quá trình đó.
Theo thống kê, năm 2010 có khoảng 345 thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đã diễn ra tại Việt Nam.
Cụm từ M&A (Merge & Accquisition) bao hàm nhiều hoạt động kinh tế khác nhau, có thể là hoạt động tái tổ chức DN, và/hoặc hoạt động độc tập trung kinh tế. Tạm thời có thể chia thành 4 hoạt động: (i) hợp nhất; (ii) sáp nhập (Merge); (iii) mua lại DN thông qua việc mua cổ phiếu (Stock sales) để chi phối DN; (iv) mua lại tài sản – asset sales (Accquisition). Luật doanh nghiệp, luật cạnh tranh đã có định nghĩa về các hoạt động này.
Về cơ bản, hoạt động hợp nhất, sáp nhập là quá trình thống nhất tổ chức giữa các DN bị hợp nhất, bị sáp nhập (tổ chức lại DN). Kết quả của việc hợp nhất và sáp nhập đều dẫn tới chỉ còn tồn tại một DN, đó có thể là DN hoàn toàn mới được lập ra (trong trường hợp hợp nhất) hoặc tiếp tục duy trì một DN đã có từ trước (trong trường hợp sáp nhập) và DN hình thành này sẽ tiếp nhận toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ của các DN bị hợp nhất, bị sáp nhập. Trong khi đó, kết quả hoạt động mua bán lại DN là sự thiết lập quan hệ sở hữu giữa DN mua lại và DN bị mua lại.
Liên quan tới M&A, có nhiều các quy định đề cập ở nhiều góc độ khác nhau, tuy nhiên, vẫn cần phải hoàn thiện nhiều để các hoạt động M&A có thể thực hiện an toàn, bảo vệ được quyền lợi của các bên liên quan. Đối với các hoạt động M&A, hiện Việt Nam có (i) Luật cạnh tranh 2004, Điều 16 đến 24; (ii) Bộ Luật dân sự 2005, Điều 94, 95; (iii) Luật Doanh Nghiệp 2005, Điều 152, 153; (iv) Luật đầu tư 2005, Điều 21, 25, 26; (v) Luật Chứng khoán 2006, Điều 29, 32, 69; (vi) Luật chứng khoán sửa đổi. Mỗi luật hướng tới những mục tiêu điều chỉnh khác nhau, trong đó Luật Doanh Nghiệp là cơ sở pháp lý chính cho hoạt động M&A. Các luật khác chỉ đề cập hoặc điều chỉnh một số nội dung nhất định của tiến trình M&A, mà nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
M&A là hoạt động khá phức tạp, kết quả của một thương vụ M&A có tác động tới nhiều bên liên quan và vì vậy, cần thiết phải có những quy định chi tiết hóa quá trình M&A. Các mục tiêu căn bản mà một thương vụ M&A cần đạt được là bảo vệ được quyền lợi của cổ đông, đặc biệt là thiểu số; bảo vệ quyền lợi của chủ nợ; bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Để đạt được các mục tiêu này, nhiều chi tiết kỹ thuật, hoặc tối thiểu là nguyên tắc thực hiện nên được thể chế hóa bằng quy định pháp luật. Nhìn chung, quy định về M&A tại Việt Nam hiện nay đã bắt đầu hình thành với những nội dung căn bản nhất.
Tuy nhiên, những quy định này cần phải tiếp tục hoàn thiện, đồng thời kết hợp với việc hệ thống hóa các quy định còn nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp lý vào văn bản có mức độ pháp lý cao hơn. Đồng thời, cũng phải có những quy định hướng dẫn mang tính kỹ thuật ở những văn bản có mức độ pháp lý thấp hơn, chẳng hạn như những quy định về quản trị công ty hướng dẫn công ty có những quy định tại điều lệ cho phép Hội đồng quản trị áp dụng các biện pháp nhằm chống thâu tóm thù nghịch, hay thậm chí là quy định mang tính nguyên tắc về việc xác định mức giá chào mua công khai nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông cũng như ngăn chặn các hiện tượng lạm dụng thị trường. Mục đích là để tạo ra hành lang pháp lý nhằm hướng dẫn một cách xuyên suốt và có trình tự, trật tự toàn bộ quá trình M&A và không ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động thị trường nói chung.
Hiện nay, nhiều nội dung liên quan đến hoạt động M&A trong phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán đang được dự thảo. Cụ thể, Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán, đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến, cũng đã có những quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi áp dụng cho hoạt động hợp nhất, sáp nhập của các công ty đại chúng. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng có các nội dung liên quan tới hoạt động chào mua công khai (thực chất là nâng cấp từ Thông tư 194/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng ban hành ngày 2/10/2009).
Ngoài ra, để tạo hành lang pháp lý cho việc tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã dự thảo các quy định tại Thông tư thay thế Quy chế hướng dẫn tổ chức, hoạt động công ty quản lý quỹ, Quy chế hướng dẫn tổ chức, hoạt động công ty chứng khoán, ban hành kèm theo các Quyết định 35/2007/QĐ-BTC, Quyết định 27/2007/QĐ-BTC, trong đó hướng dẫn một cách chi tiết toàn bộ trình tự, thủ tục việc hợp nhất, sáp nhập các tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Ngoài những nội dung căn bản của hoạt động hợp nhất sáp nhập, thì các quy định này còn bao hàm những nội dung đặc trưng khác, chẳng hạn như các nguyên tắc áp dụng khi bàn giao quyền, trách nhiệm giữa các bên liên quan, việc duy trì hệ thống, nhân sự, ứng xử với khách hàng nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong suốt quá trình thực hiện.
Hoạt động M&A có thể là thân thiện, dựa trên sự đồng thuận của tất cả các bên, nhưng cũng có thể là không thân thiện, tạm gọi là hoạt động thâu tóm (hostile takeover). Hoạt động M&A coi là thân thiện, hoặc không thân thiện, khi ta xét từ quan điểm của công ty mục tiêu (cổ đông, hội đồng quản trị, người lao động).
Trong hoạt động M&A thân thiện, các công ty tham gia chủ động tham gia quá trình thương thảo có tính xây dựng. Điều này thể hiện rõ nhất tại các thương vụ hợp nhất, sáp nhập hoặc M&A theo hình thức bán tài sản, khi quyền quyết định hợp nhất, sáp nhập, bán tài sản với giá trị lớn được thực hiện tại Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Điều lệ Công ty và theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với các hoạt động như chào mua công khai, thì có thể xảy ra tình trạng thâu tóm không thân thiện, khi mà công ty mục tiêu không muốn bị thâu tóm hoặc khi hoạt động thâu tóm đang được thực hiện một cách lặng lẽ mà hội đồng quản trị của công ty mục tiêu hoàn toàn không biết về kế hoạch đó.
Để hạn chế các hoạt động bị thâu tóm, người ta có thể sử dụng một số quy định quản trị công ty để phòng ngừa theo nguyên tắc làm tăng tối đa chi phí cho hoạt động thâu tóm, làm giảm mức độ kiểm soát của bên đi thâu tóm sau khi M&A. Đó có thể là các giải pháp chiến lược (được áp dụng liên tục trong quy chế quản trị công ty) hoặc giải pháp chiến thuật (được áp dụng trong trường hợp phát sinh tình thế). Về nguyên tắc, khả năng DN tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị thâu tóm là có thể thực hiện được, nhưng điều này không dễ dàng khi việc áp dụng chúng trong thực tiễn đòi hỏi sự am hiều sâu sắc về quản trị công ty của đội ngũ nhân sự cao cấp của công ty.
Theo quy định của pháp luật, tư vấn M&A không phải là nghiệp vụ kinh doanh có điều kiện của riêng các công ty chứng khoán, mặc dù theo thông lệ, các tổ chức tư vấn địch vụ này thường là các ngân hàng đầu tư (công ty chứng khoán). Tuy nhiên, trong mỗi thương vụ M&A, có có sự tham gia của các tổ chức khác như kiểm toán, công ty luật… Hiện nay có khá nhiều công ty chứng khoán, tư vấn tài chính, kiểm toán tham gia vào làm trung gian, môi giới cho các bên trong hoạt động M&A. Tuy nhiên, do có những hạn chế về nhân sự, tính chuyên nghiệp, cơ sở dữ liệu, thông tin…, nên các đơn vị này chưa thể thành cầu nối cho bên mua-bán gặp nhau một cách hiệu quả.
Nhìn chung M&A là một quá trình phức tạp, kéo dài thậm chí hàng năm và các bên tham gia phải tự nhận thức được mức độ phức tạp của quá trình đó. Tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn M&A phải có một đội ngũ chuyên gia có kiến thức, có kinh nghiệm chuyên sâu về các lĩnh vực khác nhau như luật pháp, tài chính DN, chứng khoán, định giá…
Các DN Việt Nam cần nhận thức rằng, M&A có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị mang lại cho doanh nghiệp, cho cổ đông nếu hoạt động một cách độc lập. Sức mạnh tổng hợp là động cơ quan trọng, mang lại nhiều lợi ích cho DN sau khi M&A: đạt được hiệu quả dựa vào quy mô, giảm nhân viên và các chi phí, thực hiện đa dạng hóa và loại trừ rủi ro phi hệ thống, tăng cường khả năng thanh khoản, thị phần.. rút ngắn thời gian thâm nhập một thị trường mới, giảm thiểu đáng kể những rào cản gia nhập thị trường.
Về kỹ thuật thực hiện, các bên tham gia cần lưu ý tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật về M&A; quy định về tập trung kinh tế chống hạn chế cạnh tranh, các vấn đề liên quan đến thuế, nghĩa vụ đối với nhà nước. Cần đánh giá đúng đắn tình hình, từ nhận dạng mục tiêu, chiến lược phát triển, tiêu chí lựa chọn đối tác, vấn đề xác định giá trị DN (tỷ lệ hoán đổi, giá chào mua). Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật thông tin cũng là một yếu tố quan trọng quyết định tới sự thành bại của một thương vụ M&A.